Từ sản phẩm truyền thống đến cuộc sống đương đại
Biên phòng - Với một vùng đất có đông đông bào các dân tộc thiểu số như tỉnh Lào Cai, thì việc phát huy những giá trị văn hóa bản địa, không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn di sản, mà còn có thêm sứ mệnh mới, góp phần tô thêm cuộc sống tươi đẹp hôm nay. Đó là khai thác thế mạnh văn hóa truyền thống, sáng tạo và thích ứng, để ứng dụng vào cuộc sống hiện đại. Trong đó, có những sản phẩm truyền thống từ nghề đan lát, nghề dệt vải lanh, may thêu thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lào Cai.
- Khai thác thế mạnh văn hóa và phát triển du lịch
- Lào Cai bảo tồn và phát triển nghề làm cốm
- Chợ phiên Cán Cấu - Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc rẻo cao Si Ma Cai
Hợp tác xã bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của đồng bào Tày ở Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên) đã hoạt động được hơn 2 năm nay. Thời gian qua, bên cạnh việc giữ gìn bản sắc văn hóa, khôi phục lại nghề đan lát truyền thống, làm ra các sản phẩm thủ công từ tre, nứa, cọ (giỏ dụng cụ truyền thống, rổ rá, nón lá cọ...); nghề làm thổ cẩm, làm quả còn..., bà con người Tày ở Nghĩa Đô đã được chuyên gia tư vấn dạy nghề, kết hợp vận dụng những mẫu thiết kế hiện đại, từ đó sáng tạo nên các sản phẩm ứng dụng được trong đời sống hiện đại.
Đơn cử như những chiếc làn đựng đồ truyền thống đan từ tre mây, không chỉ có tác dụng đựng đồ đi chợ, mà còn trở thành những chiếc giỏ cắm hoa mang phong cách sáng tạo mới, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại.
Hay như những sản phẩm quả còn được thiết kế thành đồ treo trang trí trong không gian sống ở mỗi gia đình. Đặc biệt, những sản phẩm đan truyền thống theo hoa văn độc đáo của dân tộc Tày còn được ứng dụng làm bàn trà, trang trí thành tranh treo trong gia đình, trang trí trong các không gian nghỉ dưỡng (khách sạn, homestay, quán cà phê, quán trà...). Những sản phẩm đan lát truyền thống của đồng bào Tày ở Nghĩa Đô, thông qua kênh quảng bá mạng xã hội đã vươn ra thị trường một số tỉnh ở trong nước. Họ chọn mua để tự trang trí không gian sống, có một số đơn đặt hàng để làm giỏ quà tặng...
Cùng với sản phẩm đan lát, nghề dệt may thổ cẩm hiện nay cũng được ứng dụng khá nhiều vào cuộc sống hiện đại của rất nhiều địa phương trong cả nước, thậm chí, có những sản phẩm sáng tạo đẹp đã theo chân du khách nước ngoài vươn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Chị Phạm Phan Hoàng Linh, chủ workshop Linht Handicraf ở thị xã Sa Pa có gần 10 năm đam mê với các sản phẩm truyền thống của đồng bào Mông, Dao ở nơi đây đã làm cầu nối để truyền thống gần hơn với hiện đại.
Bằng kiến thức mỹ thuật và sức sáng tạo của một nghệ sĩ hội họa, chị Phạm Phan Hoàng Linh đã cùng chồng chuyển tải những thông điệp sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, sống một cuộc sống xanh bằng chính các sản phẩm làm bằng tay của đồng bào Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó ở Sa Pa. Chính vì vậy, nhiều năm qua, chị Linh đã bền bỉ phối hợp, liên kết cùng bà con dân tộc thiểu số ở đây nhằm khôi phục nghề truyền thống đúng theo nguyên bản - nói không với nguyên liệu công nghiệp.
Tiệm may nhỏ của chị Linh dùng toàn bộ sản phẩm vải lanh dệt, nhuộm chàm, nhuộm củ nâu và nhuộm màu lá cây rừng, thổ cẩm thêu tay từ chỉ lanh, tơ tằm đưa vào thiết kế những sản phẩm thời trang hiện đại, được rất nhiều khách hàng ưa chuộng, tin dùng. Những thiết kế váy áo theo mẫu mới dựa trên chất liệu truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã tạo nên nét riêng của thương hiệu Linht Handicraf, mặc dù đã không ít người cũng học theo chị Linh làm công việc này.
Đặc biệt, với một trung tâm du lịch sầm uất như Sa Pa, việc có những cơ sở, những cửa hàng đưa các chất liệu truyền thống vào thiết kế ứng dụng hiện đại như túi xách, ví cầm tay, gối tựa sofa, đèn trang trí.... Không phải là ít. Tuy nhiên, để mang tính bền vững và tạo thu nhập cho bà con chính từ nghề truyền thống thì chị Phạm Phan Hoàng Linh đang là một trong những điển hình về sự lao động nghiêm túc, gắn bó và có đam mê thực sự với sản phẩm truyền thống của bà con dân tộc thiểu số.
Cũng mong muốn giữ gìn di sản, bản sắc văn hóa dân tộc, chị Hồ Si Vín, người Thu Lao (thuộc nhóm dân tộc Tày, Nùng), ở huyện vùng cao Mường Khương đã có rất nhiều năm theo đuổi nghề may trang phục truyền thống. Người Thu Lao có một nét độc đáo trong trang phục, đó là đôi giày thêu thổ cẩm... Mặc dù công làm giày rất cầu kỳ, tốn thời gian, nhưng chị Hồ Si Vín vẫn yêu thích vì theo chị, không phải dân tộc nào cũng có đôi giày độc đáo như người Thu Lao.
Hiện tại, cùng với may thêu váy áo Thu Lao, chị Vín vẫn tỉ mẩn ngồi khâu giày thổ cẩm để bán, giúp gia đình có thêm một khoản thu nhập chính đáng từ nghề truyền thống. Có những đôi giày khách đặt, do phải làm cầu kỳ, các công đoạn đều làm bằng tay, vừa thêu hoa văn, vừa đính trang trí tua rua nên có giá bán 2 triệu đồng/đôi... Đặc biệt, giờ đây, những đôi giày thổ cẩm của người Thu Lao không chỉ dành riêng cho đồng bào Thu Lao dùng nữa, mà rất nhiều người đã biết lựa chọn giày thổ cẩm để phối với trang phục hiện đại, tạo nên phong cách mới lạ. Đây cũng đang là xu hướng khiến cho sản phẩm giày thổ cẩm truyền thống bắt đầu có sức sống trong cuộc sống hiện đại.
Những sản phẩm thủ công truyền thống, nhờ vào đam mê của những người tâm huyết với di sản văn hóa, bằng sự sáng tạo riêng có của họ, đã tạo nên những sản phẩm hiện đại mang tính hữu ích cho cuộc sống thường nhật. Không bó hẹp trong bản làng vùng cao, giờ đây, những sản phẩm truyền thống đã vươn xa, phục vụ nhu cầu phong phú của cuộc sống, tạo nên một xu hướng mới, rất được nhiều người hưởng ứng và phát triển...